Lấy cảm hứng từ những đỉnh cao của đời người nghệ nhân của chúng tôi đã khéo léo chế tác nên bộ sản phẩm viên mãn mang màu sắc và ý nghĩa khác nhau từ chất liệu, cách chế tác cho đến ý nghĩa trong từng tác phẩm.
Đỉnh cao thứ nhất của đời người “Viên mãn hữu dư”, sống trong đời ai cũng mong bản thân có sự giàu sang ý chỉ sự dư dả và giàu có về tài chính. Hình hoạ “SEN – CÁ” được chế tác điêu khắc thủ công biểu hiện trên tác phẩm gửi gắm thông điệp của nghệ nhân. Hoa sen trong tiếng Hán được đọc là “LIÊN”, cá ứng với chữ “Yu” ý chỉ sự dư dả, dư dật và sung túc. Một cách ẩn ý trong những hoạ tiết được trình bày khéo léo trên tác phẩm.
Đối với người đam mê gốm sứ có thể dễ nhận ra sự chuyển sắc hiệu ứng từng mảng màu trên tác phẩm. Sắc đỏ của cá chép được điểm xuyết chỗ đậm chỗ nhạt bởi vì khi chế tác nghệ nhân của chúng tôi đã khéo léo sử dụng các lớp men khác nhau. Quy trình chế tác thủ công và nhiều lớp vậy khá cầu kỳ nhưng thành quả cuối cùng sau khi nung xong sẽ ra những sắc độ màu tự nhiên và thu hút hơn các tác phẩm chỉ có một tông màu thông thường. Kết hợp với lối chế tác chạm khắc phù điêu trên gốm tạo thành từng chủ đề nổi bật hoạ tiết trên tác phẩm càng làm tăng tính thẩm mỹ cho gốm thủ công. Có lẽ vì vậy mỗi tác phẩm đều là độc bản và khó có thể tìm thấy một sản phẩm thứ 2.
Đỉnh cao thứ hai của đời người được khéo léo đan xen qua tích “Vinh Quy Bái Tổ”, kế thừa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của tổ tiên ta. Tích “Vinh quy bái tổ” được chế tác cầu kỳ với biểu cảm hoan hỷ của từng nhân vật trên tác phẩm khi đã đạt được những thành đạt trong cuộc đời đang quay trở lại để phụng sự quê nhà, nhớ ơn đến tổ tiên nguồn cội.
“Vinh quy bái tổ” là một phong tục giữ nguyên vẹn được tinh thần và văn hoá Việt xưa. “Vinh” trong từ vinh danh, “Quy” nghĩa là trở về, quay về, “Bái” nghĩa là bái lạy, “Tổ” ý chỉ tổ tiên, quê hương nguồn cội và những thế hệ đi trước. Thông thường, vào thời đại phong kiến xưa tích “Vinh quy bái tổ” chỉ những người đỗ đạt khoa cử trong tư thế “trống rong cờ mở” trở về nơi chôn rau cắt rốn của mình. Đoàn tuỳ tùng theo đúng quy ước được vua ban cho sắp xếp cờ quạt, cờ biển theo sau đó là vị trạng nguyên tân khoa có lọng che trên đầu trong khung cảnh cây đa giếng nước mái đình thân thuộc của miền quê Việt Nam hiện ra chân thực trên tác phẩm. Vẻ mặt hân hoan của gia đình, họ hàng và dân chúng xung quanh thi nhau ra đón ở đầu làng cũng được khắc hoạ khéo léo trên tác phẩm. Theo lệ xưa, vị Tân khoa phải đến 4 nơi để hoàn tất nghi lễ bái tổ : đình làng, nhà thờ họ, trường học xưa và sau đó là nơi thờ tự của gia đình.
Ngay trong chính tác phẩm này cũng ẩn chứa những mật mã đưa đến những chỉ dẫn trí tuệ cho con cháu đời sau có được cuộc sống giàu sang phú quý, muốn gia quyến có sự thịnh vượng cần tạo nhiều phước đức để dòng dõi hậu duệ sau này được hiển vinh. Hành động phụng sự và tri ân này quả thực là kho báu quý giá nhất của những bậc phụ huynh trao gửi cho thế hệ hậu bối. Cũng là lời nhắc nhớ cho con cháu cần chăm chỉ tu thân, học hành để đem lại vẻ vang cho gia đình, dòng họ và đất nước.
Ngày nay chủ đề “Vinh quy bái tổ” được ứng dụng trong nhiều chất liệu như gốm sứ, gỗ và là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều nghệ nhân sáng tác. Các tác phẩm mang chủ đề này khi được trưng trong phòng làm việc hoặc phòng khách vừa mang giá trị thẩm mỹ lẫn phong thuỷ vừa có dụng ý đề cao tinh thần “Hiếu học” của dân tộc lẫn monng ước công danh tiền đồ cho chủ nhân sở hữu.
Sắc thái biểu cảm hoan hỉ và thần thái của từng nhân vật được người nghệ nhân chế tác điêu khắc và đắp nổi hoàn toàn. Một quy trình đòi hỏi sự tỷ mỷ và chi tiết tuyệt đối. Khác với hình thức điêu khắc trên đá hay ngọc điêu khắc trên gốm đòi hỏi một kỹ thuật khéo léo hơn. Độ cứng của đất thường mềm nên khi đang chế tác rất dễ bị vỡ vụn bề mặt và khó tạo hình. Tính toán được độ thất thoát sau khi nung xong cũng là một kỹ thuật đòi hỏi người nghệ nhân phải nắm bắt chắc chắn khi điều chỉnh nhiệt độ để đảm bảo các chi tiết đắp nổi còn nguyên vẹn.
Kỹ thuật dát vàng kế thừa lối thết vàng các pho tượng Phật trong chùa được nghệ nhân uyển chuyển thể hiện trên từng nhân vật. Chi tiết dát vàng làm cho tổng thể tác phẩm được cân bằng và có điểm nhấn hơn.
Đỉnh cao thứ ba của đời người được kết thúc bằng tác phẩm số 3 “Sen hạc diên niên” lối hình hoạ sen hạc mang màu sắc thanh cao biểu tượng cho sự trường thọ và thanh tịnh. Đây là thời khắc khi làm tròn nghĩa vụ với gia đình với cuộc đời bản thân ta cần quay trở về với chính ta. Trong một lối sống thanh tao của bậc quân tử quay về với sự yên lặng tu tâm và dưỡng mình về Tâm – Thân – Trí , tìm về chốn thanh tịnh để bắt đầu quá trình tu tập tìm về cội nguồn hướng đến cuộc sống giác ngộ.
Đây là bước tiến đặc biệt nhất trong bộ sưu tập sản phẩm, lớp men màu nâu đồng RAKU – một kỹ thuật men hoả biến độc đáo và khó có thể tạo ra một tác phẩm thứ 2. Mang trong mình nét độc bản và độ khó cũng gần như đỉnh cao nhất của con người. Bởi vì không một chiến thắng nào vĩ đại hơn chiến thắng chính mình để đạt đến độ giác ngộ về nhân sinh. Đó cũng là bài tập mà bất cứ ai ở kiếp sống này cần phải trải qua.
Bộ ba sản phẩm viên mãn là một trong số các vật phẩm phong thuỷ được xem là biểu tượng đem lại tài lộc trong việc buôn bán và kinh doanh của giới thương gia.